Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

Vấn đề cơ bản của triết học


Vấn đề cơ bản của triết học


 Như các bạn đã biết, khoa học nào cũng tồn tại vấn đề cơ bản của nó và triết học cũng không nằm ngoài quy luật này. Vậy vấn đề cơ bản của triết học là gì ?

- Theo Ăng-ghen, ông xác định đó là quan hệ giữa tồn tại và tư duy hay giữa vật chất và ý thức hay giữa tự nhiên và tinh thần.

Hiểu đơn giản: Vấn đề cơ bản của triết học chính là mối quan hệ giữa vật chất và ý thức.

- Vấn đề cơ bản của triết học bao gồm hai mặt và mỗi mặt trả lời một câu hỏi liên quan tới thế giới và liên quan đến con người.

Mặt thứ nhất: Giữa vật chất và ý thức, cái nào có trước cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào?
Mặt thứ haiCon người có khả năng nhận thức được thế giới hay không?

- Việc trả lời hai câu hỏi trên liên quan mật thiết đến việc hình thành các trường phái triết học:

+ Việc trả lời câu hỏi thứ nhất dẫn đến sự ra đời của hai trường phái: chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.
+ Việc trả lời câu hỏi thứ hai dẫn đến sự ra đời của hai thuyết: Khả tri  Bất khả tri.

a) Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm:
- Chủ nghĩa duy vật bao gồm ba hình thức cơ bản:

Chủ nghĩa duy vật chất phác: là kết quả của triết học duy vật Cổ đại, tuy mang tính trực quan, ngây thơ, chất phác nhưng đã lấy được bản thân giới tự nhiên (một hoặc một vài sự vật vật chất cảm tính nào đó) để giải thích thế giới chứ không viện đến Thần linh hay các thế lực siêu nhiên.

Tóm tắt:
  • Ra đời vào thời kì cổ đại.
  • Đã đúng khi chỉ ra vật chất là thứ tạo nên thế giới (Không viện vào thần linh).
  • Chưa có chứng minh khoa học mà là chỉ phán đoán chủ quan (ngây thơ, chất phác).
Ví dụ: -Tales cho rằng thế giới này là thế giới của nước; nước bốc thì thành hơi, thành lửa, đọng lại thì thành đất.
           -Hay trong triết học Trung Quốc quan niệm thế giới được tạo nên bởi Ngũ hành: kim-mộc-thủy-hỏa-thổ.

Chủ nghĩa duy vật siêu hình: các nhà triết học duy vật coi thế giới là một cỗ máy khổng lồ, các bộ phận tạo nên cỗ máy đó tồn tại biệt lập (xem xét sự vật một cách cô lập) bên cạnh nhau không vận động, không phát triển nếu có chỉ là sự tăng hay giảm về lượng và cho rằng nguồn gốc sự vận động nằm bên ngoài thế giới, ngoài vật chất, ngoài các sự vật hiện tượng. Do vậy Chủ nghĩa duy vật siêu hình chưa phản ánh được hiện thực khách quan về những mối liên hệ phổ biến và sự phát triển của thế giới, góp phần chống lại chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo.

Tóm tắt:
  • Ra đời vào thời kì cơ học cổ điển phát triển (từ thế kỷ XV-XVIII)
  • Đặt từng sự vật, hiện tượng ra riêng biệt để đánh giá, không có mối quan hệ với thế giới.
  • Cho rằng sự phát triển của sự vật hiện tượng là từ tác động bên ngoài chứ không tự thân vận động được.
  • Chưa phản ánh được hết thế giới, vẫn còn thiếu sót.
  • Đã đẩy lùi được chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo.
Ví dụ đơn giản: Nếu muốn đánh giá một con người thì đúng ra phải đánh giá chính bản thân người đó, tiếp đến là các mối quan hệ của người đó với gia đình, với bạn bè, với xã hội nhưng nếu theo chủ nghĩa duy vật siêu hình thì chỉ đánh giá đúng 1 con người đó thôi, riêng biệt và không có các mối quan hệ với gia đình, cộng đồng.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng: do C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng vào những năm 40 của thế kỉ XIX, sau đó được V.Lenin phát triển. Kế thừa tinh hoa của các thuyết triết học trước đó và sử dụng triệt để thành tựu khoa học đương thời, chủ nghĩa duy vật biện chứng khắc phục được hạn chế của chủ nghĩa duy vật chất phác thời Cổ đại, chủ nghĩa duy vật siêu hình và là đỉnh cao trong sự phát triển của chủ nghĩa duy vật. CNDVBC phản ánh đúng và là công cụ hữu hiệu giúp các lực lượng tiến bộ xã hội cải tạo hiện thực ấy.

Tóm tắt:
  • Do Mác, Ănghen xây dựng, Lênin phát triển (Những năm 40 của thế kỉ 19).
  • Kế thừa các thành tựu khoa học và các thuyết triết học.
  • Khắc phục hạn chế của 2 chủ nghĩa duy vật cũ.
  • Phản ánh đúng thế giới.
  • Nhận thức đối tượng trong các mối liên hệ phổ biến, vận động và phát triển.
  • Giúp con người thấy sự hình thành, phát triển và suy vong của đối tượng.
  • Là công cụ cải tạo thế giới (làm thế giới tốt đẹp hơn).
Ví dụ đơn giản: Khác với chủ nghĩa duy vật siêu hình, theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, muốn nhận xét một con người thì ta vừa nhận xét bản thân người đó, nhận xét mối quan hệ của người đó với gia đình, với xã hội.

- Chủ nghĩa duy tâm bao gồm hai trường phái:

Chủ nghĩa duy tâm chủ quan: thừa nhận tính thứ nhất của ý thức con người, nhưng phủ nhận tính khách quan của hiện thực, khẳng định mọi sự vật, hiện tượng chỉ là phức hợp của cảm giác.

Hiểu đơn giản: chủ nghĩa này cho rằng tất cả những gì chúng ta thấy, chúng ta nghe được thì đều không tồn tại thực tế, mà chỉ là chúng ta cảm thấy mà thôi. Mọi thứ đều là do suy nghĩ của con người quyết định chứ không có sự tác động từ bên ngoài nào cả.

Chủ nghĩa duy tâm khách quan: ý thức, tinh thần nói chung như ‘ý niệm’, ‘ý niệm tuyệt đối’, ‘tinh thần thế giới’ là cái tồn tại khách quan bên ngoài con người.

Hiểu đơn giản: Chủ nghĩa này cho rằng có 1 thế lực siêu nhiên (thần thánh, chúa trời,...) tạo ra thế giới.

b) Thuyết có thể biết (Thuyết Khả tri) và thuyết không thể biết (thuyết Bất khả tri)
Thuyết có thể biết (Thuyết Khả tri): Con người có thể nhận thức được thế giới.
Thuyết không thể biết (thuyết Bất khả tri): Con người không thể nhận thức được thế giới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét